Xe đạp nghìn đô hút khách

Những mẫu xe vài chục đến hơn trăm triệu đồng đang bán chạy hơn trước, trong khi các loại phổ thông dưới 10 triệu cũng sôi động với nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Chị Hằng, nhân viên một công ty truyền thông ở Cầu Giấy (Hà Nội) đang tìm mua xe đạp thay cho xe máy để đi làm. “Ở công ty tôi đang có phong trào đi xe đạp, ra đường bây giờ cũng thấy nhiều người đạp xe đi làm nên mình cũng phải bắt kịp xu hướng”, chị Hằng cho biết. Công ty của chị đang có hẳn một câu lạc bộ những người đạp xe với hơn 1.000 thành viên.

Khu vực quanh phố Bà Triệu được ví như trung tâm xe đạp của thủ đô. Các cửa hàng cho biết doanh số bán xe đạp năm nay khá hơn kỳ vọng. “Bây giờ kinh doanh ngành gì cũng khó khăn, nhưng cửa hàng tôi vẫn bán được đều đều 4 đến 6 chiếc mỗi ngày”, anh Hùng, chủ một cửa hàng chuyên bán, sửa chữa xe đạp cho hay. Cộng với thu nhập từ việc sửa chữa, bán phụ tùng, doanh số bán ra này đủ để trả tiền thuê nhà hơn 30 triệu đồng mỗi tháng và dôi dư một ít đủ ăn, theo cách nói của anh.

Nhiều khách của anh Hùng đến mua theo phong trào. Có khách nữ kể rằng trước đây đạp xe ra đường thấy ngại, nhưng giờ thành xu hướng trong giới văn phòng nên cũng mạnh dạn mua để rèn luyện sức khỏe. “Ngoài bất lợi về tốc độ so với xe máy, đi xe đạp được rất nhiều cái lợi như không mất tiền xăng, bảo vệ môi trường, tranh thủ tập thể dục”, anh Hùng nhận xét.

12 Xe đạp nghìn đô hút kháchNgười chơi xe đạp bây giờ có nhiều lựa chọn hợp với kinh tế của mình hơn, khi giá một sản phẩm từ hơn 2 triệu đồng đến trên 200 triệu. Ảnh: Anh QuânTại các cửa hàng trên phố Bà Triệu, bán chạy nhất vẫn là dòng giá rẻ xuất xứ Đài Loan, Trung Quốc, trên dưới 2 triệu đồng mỗi chiếc. Cánh nam giới thường chọn dòng thể thao, nhưng 80% chọn loại rẻ nhất từ 3,5 đến 5 triệu đồng. “Với xe thể thao, dòng xe xịn có giá trên 10 triệu đồng đạp ‘bốc’ hơn hẳn nhưng lâu lâu mới có người hỏi mua”, anh Hùng cho biết.

Còn tại một cửa hàng trưng biển chuyên bán xe đạp Nhật các loại trên đường Cầu Giấy, chủ cửa hàng cho biết mấy tháng nay lại chỉ nhập hàng Đài Loan. “Giá xe Nhật một năm mấy lần tăng, có lần tăng một lúc 500.000 đồng mỗi chiếc nên chúng tôi không kịp trở tay, khách cũng không dám mua”, chủ cửa hàng cho hay.

Với mức giá rẻ từ 2,2 đến 3,6 triệu đồng mỗi chiếc, xe Đài Loan hút khách hơn hẳn với giá rẻ, mẫu mã phong phú đủ màu. “Giới văn phòng mua theo phong trào là chính nên họ không chọn loại đắt tiền hay thật bền. Xe thể thao chỗ tôi bán chỉ 2,2 triệu đồng, đi không sướng như hàng xịn nhưng bán lại chạy nhất”, chị Lưu và anh Tùng, hai vợ chồng chủ cửa hàng cho biết.

Tại TP HCM, thị trường không còn sốt như những tháng cao điểm mùa tựu trường, nhưng việc buôn bán tại các cửa hàng, đại lý sau Tết vẫn tăng. Xe thông dụng hiện có giá dao động từ 1,6 đến 2 triệu đồng. Xe cuốc có giá trên 10 triệu đồng, xe thể thao leo núi giá dao động từ 4-8 triệu đồng. Xe trẻ em có giá 900.000-2,5 triệu đồng. … Các loại xe này có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan…

Chủ cửa hàng 152 trên đường Võ Thị Sáu (quận 3), TP HCM cho biết, trung bình một ngày cửa hàng này bán ra từ 3 – 4 chiếc các loại. Trong đó, được ưa chuộng nhất vẫn là kiểu thể thao có giá 4 triệu. 2 tháng đầu năm, chủ cửa hàng ở đây cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái sức mua năm nay đã cải thiện, tăng từ 10-20%. Năm nay, người mua có xu hướng thích loại xe thể thao vì vừa tiện cho đi làm và tập thể dục. Loại này khung xe được làm bằng nhôm, kích thước và trọng lượng cũng được cải tiến gọn nhẹ hơn, từ 18 đến 35 kg.

Cửa hàng Hồng Phúc (quận 3) cho biết gần đây chưa vào mùa tháng 6, 9 nhưng nhiều phụ huynh cũng đã dẫn con cái đi mua. Trung bình một ngày tại cửa hàng này cũng bán được 4-5 chiếc.

Tại cửa hàng Martin 107 trên đường Võ Thị Sáu bán hàng nhộn nhịp hơn. Theo quản lý ở đây, một tháng cửa hàng có thể bán được 300 chiếc, có khi lên đến 500 nếu có mối đặt với số lượng nhiều.

Không chỉ những dòng xe phổ thông có mức giá dưới 10 triệu đồng tiêu thụ tốt, lượng xe đạp “tiền khủng” bán ra cũng tăng hơn mấy năm trước. Tại một cửa hàng chuyên bán các loại xe đạp thể thao lắp ráp trên phố Hàng Bông (Hà Nội), nhân viên cho biết mỗi ngày bán ít cũng được hai xe. Những sản phẩm bán chạy thường có giá dưới 15 triệu đồng, những chiếc rẻ nhất cũng 6 – 7 triệu.”Một chiếc xe xịn giá 20 hoặc 30 triệu đồng, người mua tùy chọn thiết bị rồi nhân viên lắp tại cửa hàng trong khoảng 3 tiếng. Có chiếc giá 100 triệu hoặc 200 triệu đồng, nhưng cửa hàng không có sẵn mà khách phải đặt và đợi một tuần hoặc hơn”, anh Nguyễn Hữu Nam, phụ trách bán hàng ở một shop xe đạp chia sẻ. Những người không ngại chi hàng nghìn USD cho một chiếc xe đạp đều đã tìm hiểu kỹ và xác định nhu cầu của mình, trong số này không ít người có sở thích sưu tập xe.

Gia Huấn (ở Đại La, Hà Nội), một người chơi xe đạp địa hình cho biết, loại này chia làm ba dòng cơ bản: Hard tail, All mountain và Freeride. Trong đó, Hard tail phổ biến nhất với mức giá vừa phải, thấp nhất tại cửa hàng là 15 triệu đồng một chiếc với tiêu chí tối thiểu: hệ thống phanh dầu thủy lực, giảm xóc trước 100 mm, dàn ghi-đông có độ rộng ít nhất 680 mm và bộ số 27 tốc độ. Loại đuôi cứng trên chỉ có giảm sóc trước dùng để chạy XC/trail (những địa hình leo và đổ nhẹ).

Khác với Hard tail, All mountain là loại sở hữu phần khung có giảm sóc sau, được dùng để chạy mọi loại địa hình và có kết cấu tốt hơn nên khá đắt. Giá mỗi xe loại này thấp nhất là 30 triệu đồng. Hiện, một “đồng đội” của Gia Huấn sở hữu chiếc MTB hiệu Dabomb Castle Bravo (Thụy Điển) giá 130 triệu đồng.

Với những “con ngựa sắt” có giá ngang hoặc hơn cả một chiếc xe máy, thì phụ tùng và linh kiện, “đồ chơi” đi kèm cũng không ở mức rẻ. Một chiếc đồng hồ công-tơ-mét loại không dây gắn trên xe có giá tới một triệu đồng, hay mũ bảo hiểm chuyên dụng loại rẻ cũng 300.000 đồng, đắt thì đến tiền triệu. Loại đèn pin đi trời tối giá khoảng 250.000 đồng, túi đựng đồ giá cũng không thấp hơn.

“Phụ tùng mới là thứ đắt, và có nhiều mức giá khác nhau. Một groupset gồm tay số, phanh, đề trước hoặc sau, đùi đĩa, xích líp loại trung bình là 3 – 5 triệu, đỉnh điểm là 40 triệu đồng”, anh Nam cho biết. Hay một chiếc thụt (hay còn gọi là giảm sóc, phuộc nhún) loại đắt giá 13 triệu đồng, trong khi hàng phổ thông từ 1 – 4 triệu đồng. “Pedan giá đắt cũng 1,5 triệu một đôi, cặp đĩa phanh rẻ thì 500.000 đồng”.

Theo kinh nghiệm của một số người chơi xe tại Hà Nội, cửa hàng sửa chữa và chăm sóc xe tốt phải có nhân viên am hiểu về xe để tư vấn được cho khách, chứ không đơn thuần sở hữu nguồn hàng giá rẻ.

Nhóm phóng viên